Chọn sống tối giản, bạn bắt đầu sắp xếp lại không gian sống của chính mình. Việc bỏ đi những món đồ không cần thiết là một điều quan trọng và tất yếu. Tuy nhiên, có lúc nào đó bạn hoài nghi: Tại sao, chọn sống tối giản là mình phải bỏ đi món đồ đó. Mình còn lựa chọn nào khác hay không?
MÌNH CÓ LÝ DO ĐÚNG ĐẮN ĐỂ VỨT BỎ ĐỒ ĐẠC HAY KHÔNG?
Mình vứt bỏ đồ đạc vì nó đã hỏng?
Mình vứt bỏ đồ đạc vì nó hỏng rồi và không thể sửa được nữa?
Mình vứt bỏ đồ đạc vì mình muốn mua một món đồ đẹp – tốt – hiện đại – trông tối giản hơn để thay thế?
Mình vứt bỏ đồ đạc vì mình không thích món đồ này nữa?
Mình vứt bỏ đồ đạc vì mình không cần đến đồ vật đó nữa?

Điều quan trọng nhất đối với một món đồ là gì?
- Mỗi món đồ có sứ mệnh cần hoàn thành khi xuất hiện ở bên cạnh bạn
- Cái ghế chỉ sống và có ý nghĩa khi nó được ai đó ngồi lên.
- Cuốn sách chỉ sống khi nó được người cầm đọc.
- Cây đàn chỉ sống sẽ khi nó được đem chơi thành giai điệu.
Nếu mọi món đồ chỉ đứng im trong một góc tại nhà của bạn. “Mình xin gửi lời chia buồn tới các bạn đồ đạc trong nhà nhé, vì các cậu không được sống và trao giá trị cho đời.”
Bạn biết đấy sứ mệnh của món đồ là tồn tại và được sử dụng đúng chức năng của mình.
- Một món đồ tồn tại cũng vì người chủ của nó
- Mỗi món đồ muốn có một chủ nhân dành tình yêu và đối tốt với chúng.
- Nếu bạn cũng yêu, nâng niu và gìn giữ từng món đồ có trong ngôi nhà của mình, cuộc sống sẽ an bình và nhẹ nhàng lắm!
Bạn có món đồ không còn giá trị sử dụng và không còn mang đến những rung động về cảm xúc? Vậy đã đến lúc bạn nên cân nhắc đến việc di chuyển nó khỏi không gian sống và cuộc đời của bạn. Di chuyển nó đi, không chỉ là vứt bỏ. Lý do tại sao ư? Đầu tiên hãy trả lời câu hỏi này đã nhé:
MÌNH CÒN VUI THÍCH KHI SỬ DỤNG CÁC LOẠI ĐỒ ĐẠC NÀY HAY KHÔNG?
Bạn vui trong khi sử dụng món đồ đó thì đừng vứt bỏ nó khi nó vẫn còn có giá trị sử dụng. Một món đồ bạn có sự kết nối về cảm xúc, đang ở bên cạnh bạn mỗi ngày để thực hiện chức năng của nó. Như vậy, nó đang hết lòng “sống đúng ý nghĩa” khi bên cạnh bạn.

Bạn biết không: Chiếc ghế là chiếc ghế khi nó được bạn ngồi lên, chiếc vali gọi là vali khi nó chứa quần áo và vật dụng trong đó. Bọn chúng đều có ý nghĩa tồn tại riêng. Nếu món đồ đó vẫn còn khiến bạn thấy hạnh phúc, vui vẻ, hay mang đến những xúc cảm nào khác trong khi sử dụng, hãy giữ món đồ đó lại. Đừng vội vàng vứt bỏ đi bạn nhé!
Chọn sống tối giản bạn cần hiểu và nắm rõ về bản thân. Thử tìm hiểu xem nhu cầu của mình, cảm xúc của mình, cá tính của mình là gì? Từ đó chọn cách hành động phù hợp và thống nhất với lối sống tối giản mình đã chọn.
>> Xem thêm: Ba điều bạn cần chuẩn bị khi chọn sống tối giản
Nếu bạn không thích món đồ đó nữa thì hãy đặt câu hỏi tiếp theo?
ĐỒ ĐẠC CÒN CÓ GIÁ TRỊ HAY KHÔNG?
Đến một ngày bạn muốn vứt bỏ một món đồ, hãy hỏi xem: món đồ này còn giá trị nữa hay không?
Giá trị sử dụng của đồ đạc
Món đồ này còn có thể sử dụng được không? Nếu được sử dụng thì mình cần sửa nó, tái chế nó hoặc làm điều gì khác?
Giá trị tinh thần của đồ đạc
Món đồ này có giá trị về kỷ niệm, lịch sử, hay không?
Món đồ này có là bằng chứng cho điều gì quan trọng với mình hay không? Nếu có, mình sẽ để trưng bày hay làm quà tặng? Mình sẽ giữ lại; quyên góp từ thiện hay làm điều gì khác?
Món đồ này có giá trị với ai khác không?
Một con tem thư cũ có giá trị với người sưu tập tem. Một cuốn sách cũ có giá trị với thư viện sách hay những em nhỏ đang không có sách đọc mỗi ngày. Hãy nghĩ rộng hơn, nghĩ nhiều hơn xem món đồ bạn muốn loại bỏ đi, nếu được giữ lại thì có giá trị với người khác hay không? Tìm được câu trả lời rồi, bạn hãy tiếp tục tự hỏi:
MÌNH CÓ NÊN VỨT BỎ ĐỒ ĐẠC NGAY BÂY GIỜ HAY KHÔNG?
Con đường vứt bỏ nhanh nhất món đồ của bạn là cho vào thùng rác. Nhưng liệu đó có phải là cách duy nhất mà bạn có thể làm? Không. Hãy tạm dừng lại vài phút và suy nghĩ:
Nếu món đồ bạn đang cầm trên tay không còn giá trị, bạn thực sự không có nhu cầu sử dụng và không muốn giữ lại. Hãy vứt bỏ nó.

Nếu món đồ bạn đang cầm trên tay vẫn còn có thể sử dụng, nhưng tần xuất sử dụng sẽ ít đi thì hãy giữ món đồ lại trong 3 – 6 tháng. Nếu bạn vẫn còn sử dụng đến nó ít nhất 1 lần trong khoảng thời gian này, hãy giữ món đồ đó lại.
Nếu món đồ bạn đang cầm trên tay đã có “nơi ở mới” để tới. Bạn hãy tạm giữ lại và đảm bảo bản thân đã có phương án di dời món đồ đó. Đúng vậy, câu hỏi tiếp theo dành cho bạn chính là:
BẾN ĐỖ MỚI NÀO CHO TỪNG MÓN ĐỒ ĐẠC BẠN VỨT BỎ?
Có những món đồ bạn không sử dụng rời tay bạn, sẽ đến với người chủ mới cần nó hơn.
Có những món đồ bạn không sử dụng rời tay bạn, được tái chế thành những món đồ handmade, những sản phẩm thân thiện môi trường: bìa carton, chai lọ nhựa, chai lọ thủy tinh, thùng giấy, hộp xốp,…
Có những món đồ bạn không sử dụng rời tay bạn, được xử lý đúng quy trình để đảm bảo không ô nhiễm môi trường: các loại pin, rác thải điện tử, túi ni lông…
Có những món đồ bạn không sử dụng rời tay bạn, sẽ trở về với đất mẹ, vun bón cây trồng, tiếp tục hồi sinh: hoa tươi, vỏ cây, hạt cây,…
TỔNG KẾT
Khi bạn còn đang sở hữu một món đồ nào đó, hãy nâng niu, yêu thương và để nó hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, sứ mệnh vốn có. Bạn hãy dùng một món đồ cho đến khi nó hết giá trị sử dụng. Sau đó, thay vì cho chúng ra bãi rác, bạn hãy tìm bến đỗ hợp lý cho chúng nhé.
Sống tối giản không chỉ là vứt bỏ. Sống tối giản không chỉ là thay thế mọi thứ bạn có bằng những thứ trông tôi giản hơn mà thực sự không cần thiết với bạn.
Quan trọng nhất bạn biết bạn cần gì, sử dụng triệt để những gì bạn đang có. Chờ đến lần mua mới vật dụng thay thế tiếp theo, hãy mua sắm món đồ bạn yêu thích, có tính ứng dụng cao và độ bền tốt. Sống tối giản và luôn tâm niệm biết đủ thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và an yên.
Giới thiệu đến bạn một phương pháp sắp xếp và bài trí nhà cửa của Kondo Mari.
Hi vọng bài viết này giúp bạn ra quyết định xử lý đồ đạc không dùng nữa đúng đắn, phù hợp với bản thân!
Nga Color