Bài viết này được viết và chia sẻ bởi kinh nghiệm cá nhân của mình về những điều bạn cần biết khi làm việc tại tổ chức Phi lợi nhuận/ Phi chính phủ.
Đôi điều về hành trình của mình
Chào bạn mình là Nga Color. Mình tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2017. Hành trình với các dự án cộng đồng và môi trường tổ chức phi lợi nhuận của mình bắt đầu từ năm 2 đại học. Ban đầu là các dự án ngắn, rồi các dự án dài hạn 6 tháng 1 năm. Sau đó là cơ hội làm việc cho các tổ chức.
Mình đã trải qua hành trình trong 6 năm làm việc: 2 tổ chức, tình nguyện viên tại 6 tổ chức, và trải nghiệm các dự án Việt Nam và Quốc tế. ( Một số tổ chức vận hành bộ máy nhân sự – Một số tổ chức vận hành với cơ cấu Tình Nguyện viên ). Không phủ nhận những bài học, những cơ hội trải nghiệm tuyệt vời này nhưng cũng có nhiều ” sự cay đắng” và “trái ngọt” mình đã đúc kết được.
Môi trường tổ chức phi chính phủ hay phi lợi nhuận là môi trường phù hợp cho những ai muốn cống hiến và tạo giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, những bạn trẻ trước khi bắt đầu làm việc tại môi trường này, thường có những sự mơ hồ hoặc có những “giấc mơ hồng”.
Bài viết này hi vọng giúp bạn có những sự chuẩn bị về tinh thần, kiến thức đặc biệt là kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu bước vào môi trường này.
Môi trường làm việc tại tổ chức Phi lợi nhuận/ Phi chính phủ
- Môi trường đa văn hóa
- Môi trường giao tiếp tiếng Anh
- Môi trường ít cạnh tranh
- Môi trường mở với cơ hội phát triển bản thân
- Môi trường bạn có cơ hội dịch chuyển và giao lưu
- Môi trường đề cao sự giúp đỡ, phụng sự và cho đi
Đây là những đặc điểm nổi bật khi bạn có cơ hội làm việc phát triển tại môi trường làm việc của các tổ chức. Tuy nhiên tuỳ từng tổ chức cụ thể, mà những yếu tố này sẽ thay đổi và có thêm những quy định hay hạn chế khác.
Những tố chất cần có khi làm việc tại tổ chức Phi lợi nhuận
Bỏ qua những yếu tố đặc thù của vị trí công việc đây là những tố chất mà một người làm tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận cần có:
- Tư duy sáng tạo
- Tư duy giải quyết vấn đề
- Kiên trì
- Kỷ luật
- Năng lực đa nhiệm
- Chủ động
- Tinh thần trách nhiệm
- Trung thực
- Cống hiến hết mình và trọn vẹn 100%
- Kiên định
Đưa ra các tiêu chí lựa chọn tổ chức để làm việc
Đầu tiên bạn cần đưa ra những tiêu chí cho chính mình trước khi bắt đầu trở thành một phần của tổ chức:
- Hệ giá trị của tổ chức
- Lĩnh vực hoạt động: Bình đẳng giới, giáo dục, tâm linh, nghệ thuật, giải quyết các vấn đề của thanh niên, phụ nữ, dự án về thiên nhiên,…
- Lương – Phúc lợi: Bạn sẽ làm cho một tổ chức bằng vị trí có lương hay phụng sự vô điều kiện
- Cơ cấu của tổ chức: Bạn muốn làm tại các tổ chức non trẻ hay các tổ chức đã vững chắc về hệ thống vận hành. (Điều này khá quan trọng để bạn biết rằng bạn có cơ hội làm việc lâu dài và có sự phát triển cho tổ chức đó hay không)
- Môi trường làm việc: người lãnh đạo, đội nhóm, các hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng,…
Tham khảo danh sách các tổ chức
Tìm hiểu tổ chức bằng việc trải nghiệm chương trình và hoạt động ngắn hạn
Một trong những điều quan trọng để xem bạn có phù hợp với 1 tổ chức hay không đó chính là trải nghiệm chương trình và hoạt động tại đó. Các cách để bạn có thể trải nghiệm:
- Tình nguyện viên cho các chương trình, sự kiện ( kéo dài 1- 3 ngày)
- Tỉnh nguyện viên cho một dự án ( 1/3/6 tháng)
Trong quá trình trải nghiệm này hãy khám phá, quan sát và rút ra cho mình những góc nhìn và đừng quên đặt câu hỏi để tìm hiểu, kiểm chứng. Mục tiêu duy nhất giai đoạn này là xem xét mức độ phù hợp giữa hệ giá trị của tổ chức với hệ giá trị bạn quan tâm.
Tại bất kỳ tổ chức phi chính phủ hay phi lợi nhuận mình chọn tham gia làm việc, mình đều đã tham gia chương trình của họ ít nhất 1 lần. Tham gia để hiểu về tinh thần, khám phá văn hoá làm việc và có những điểm chạm ban đầu về hệ giá trị của tổ chức. Vì vậy đây là một điều hết sức quan trọng để bạn bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này.
Những lưu ý đặc biệt khi làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận
#1 Khi chọn làm có lương hãy luôn đảm bảo việc ký hợp đồng làm việc chính thức.
Với các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ hãy đảm bảo việc ký hợp đồng. Điều này giúp bạn được nhận lương đúng hạn đúng thảo thuận và không có tình trạng nợ lương, không trả lương. Tại sao các tình huống này có thể xảy ra, do các tổ chức vận hành theo hình thức kêu gọi tài trợ từ các hình thức khác nhau. Khi nguồn tài trợ gặp vấn đề, thì có thể xảy ra các tình trạng trên.
Cá nhân mình cũng gặp tình huống tương tự, khi tổ chức đưa ra hiện trạng. Các trường hợp như thay đổi cơ cấu, hình thức vận hành, hay thông báo hiện tại tổ chức gặp vấn đề về tài chính. Trong tình huống đó tổ chức có thể sẽ không trả lương bạn như thoả thuận.
Nói chung có rất nhiều lý do 1 tổ chức có thể đưa ra để không trả lương bạn như thoả thuận ban đầu. Vì vậy hãy rõ ràng ngay từ đầu.
#2 Khi chọn làm không lương bạn cần chú ý về nguồn lực
# Tiền
Điều này tuỳ thuộc vào thời gian bạn có thể cống hiến và phụng sự không lương là bao lâu. Hãy đảm bảo trong thời gian làm việc, vấn đề kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến việc bạn tham gia vào công việc. Nếu bạn làm với tâm thế lo lắng hay thiếu thốn, sẽ ảnh hướng đến năng lượng của bạn và công việc.
# Thời gian
Nếu là phụng sự bán thời gian hay toàn thời gian, thì hãy cam kết dành đúng – đủ – đều thời gian cho các hoạt động. Sự chính trực khi bạn cam kết tham gia làm việc trọn vẹn trong khoảng thời gian đó sẽ mang lại cho bạn bài học sâu sắc.
Bản thân mình đã trải qua việc quản lý kém về thời gian và năng lượng khi không có sự kỷ luật này. Điều này dẫn đến các hoạt động không có hiệu quả. Mình cũng đón nhận các kết quả làm việc không như mong muốn.
# Năng lượng
Với môi trường của các tổ chức, đôi khi chúng ta cũng trải qua những giai đoạn làm việc cường độ cao và áp lực. Để có thể hoàn thành công việc, điều quan trọng nhất là duy trì năng lượng của bản thân. Nếu không bạn sẽ bị mất cân bằng trong sức khoẻ thân – tâm – trí. Sau đó là cảm thấy căng thẳng. Cuối cùng là muốn nghỉ việc ngay và luôn.
# Nói “Có” trọn vẹn – nói “không” rõ ràng
Tình huống về các cơ hội mới, hay những công việc mới đôi khi là những cơ hội hoặc những hố đen. Hãy biết cách đưa ra quyết định đúng đắn.
Khi bạn nói có hãy cam kết thực hiện.
Khi biết mình không sẵn sàng và có thể hoàn thành hãy từ chối với lý do cụ thể.
Đừng để bản thân trong tình trạng quá tải. Bởi một vài lần không thể hoàn thành công việc hay như mục tiêu đặt ra, có thể khiến bạn mất niềm tin vào bản thân mình.
Hãy luôn chú ý và quan sát chính mình trong khi làm việc. Việc phụng sự và cho đi chỉ thực sự có giá trị khi chúng được trao đi với năng lượng tích cực. Nếu đây là công việc bạn lựa chọn làm cả cuộc đời thì hãy học cách quản trị chính mình: thời gian, tiền bạc, năng lượng và các mối quan hệ.
# Có sự tập trung trọn vẹn 100%
Đây là bài học đắt giá nhất mình học được. Khi chúng ta làm việc không có sự tập trung, chúng ta sẽ không làm trọn vẹn. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả công việc, lãng phí nguồn lực của chính bạn. Hãy làm khi bạn sẵn sàng và khi bạn sẵn sàng hãy làm với sự cam kết 100%.
#3 Tìm hiểu tổ chức bạn sẽ biết được lộ trình phát triển của mình
Ví dụ 1 số tổ chức quy mô nhỏ vị trí Truyền thông chỉ có 1 nhân sự duy nhất, các vị trí còn lại sẽ hoạt động với tư cách thực tập sinh hay Tình nguyện viên. Như vậy nếu một tổ chức đã có sẵn cán bộ truyền thông thì thời điểm đó bạn không được nhận cho vị trí nhân viên chính thức. Bạn sẽ bắt đầu là vị trí thực tập sinh – có thể kéo dài đến 6 tháng và một vài năm cho đến khi bạn có cơ hội mới.
Một số tổ chức lại vận hành theo hình thức Tình nguyên viên ( từ giai đoạn thử thách đến tình nguyện viên nòng cốt). Để trở thành thành viên nòng cốt bạn cần có một hành trình 3 tháng – 6 tháng – 1 năm thậm chí là vài năm. Với mô hình này, người đứng đầu thường là người có tầm nhìn và hệ giá trị, về cách vận hành và tuyển chọn Tình nguyện viên.
Như vậy bạn sẽ cần tìm hiểu về người lãnh đạo hoặc trưởng nhóm mình sẽ làm việc để quyết định mình có làm việc với tổ chức đó hay không. Hãy tránh tình trạng, không chung hệ giá trị hay văn hoá làm việc giữa người đứng đầu và trưởng nhóm. Khi một tổ chức không có sự đồng bộ về văn hoá làm việc trong nội bộ tổ chức sẽ có rất nhiều “drama” sẽ xảy ra. Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống này nhé.
#4 Lưu ý cho tổ chức có cơ cấu tổ chức mở, hay đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện
Với các loại hình tổ chức này, bạn có thể hiểu đây là mô hình “start up”. Họ sẽ có sự linh hoạt trong việc thay đổi cơ cấu bộ máy và tổ chức, sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm cho đến khi tìm ra được cách vận hành phù hợp.
Hình thức làm việc và vị trí công việc có thể thay đổi theo sự thay đổi của người đứng đầu. Và vì thế bạn sẽ có thể có cơ hội điều chuyển bộ phận, dự án, đôi khi nó cũng sẽ khiến bạn quyết định từ bỏ hay dừng lại cuộc hành trình.
Mình đã từng trải qua các tình huống: bị nợ lương, bị không trả lương, trả ít lương vì những thông báo bất ngờ như là “ Từ bây giờ, tổ chức sẽ vận hành theo hình thức mới”, “từ thời điểm này, khi tham gia dự án này bạn sẽ không được trả lương”,…
Nếu bạn đồng ý thì hãy làm việc. Nếu không cũng bày tỏ thẳng thắn. Đừng tự mình làm bản thân trở nên căng thẳng hay gặp phải những xung đột lợi ích không cần thiết.
Xin hãy lưu ý rằng – Các tổ chức phi lợi nhuận đều có những rủi ro và vấn đề về nguồn tiền. Nhân sự cũng có những yếu tố bất định. Vì thế hãy lưu tâm và thích nghi với điều đó.
Tổng kết
Hãy chuẩn bị tâm thế khi bạn bắt đầu. Hãy biết rõ những mong muốn của chính mình và cam kết hành động để có được điều đó. Hãy luôn đặt ra ranh giới cho bản thân nhưng không quên cho chính mình cơ hội trải nghiệm và khám phá.
Hãy lắng nghe con tim và lên tiếng khi cần thiết.
Khi có vấn đề, mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm, đừng quên bày tỏ trung thực chân thành thẳng thắn.
Tất cả đều là hành trình và mong bạn đi qua hành trình dù có trải nghiệm nào đi nữa cũng sẽ nhận về trái ngọt sau những đắng cay. Trái ngọt của những bài học, những sự vỡ oà hay những khoảnh khắc thức tỉnh.
Chúc bạn, những ai đang trong hành trịnh phụng sự và trao đi, sẽ tìm được nơi mình thuộc về để phụng sự và cống hiến.
Đừng quên đồng hành với mình tại fanpage Ngacolor để có thể đón nhận nhiều chia sẻ thú vị, những gợi ý thực hành chất lượng để sống một cuộc đời rực rỡ, tự do – sáng tạo và truyền cảm hứng bạn nhé!
Hiện tại bạn cũng thể lựa chọn đồng hành với mình và ủng hộ mình bằng việc donate hoặc lan tỏa bài viết của mình đến những bạn thấy cần thông điệp này!
—
Mình là Nga Color, mình ở đây để hỗ trợ bạn trong hành trình kết nối và phá triển chính mình!